Điện lực thanh toán tiền mua điện mặt trời như thế nào?
Điện lực sẽ thanh toán cho chủ đầu tư hàng tháng, theo hình thức chuyển khoản (phí chuyển khoản do chủ đầu tư chịu):
– Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn: Hàng tháng, Công ty Điện lực nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành theo quy định.
– Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân (không phát hành hóa đơn): Hàng tháng, Công ty Điện lực thực hiện lập bảng kê để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư, tiền thanh toán không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Giá bán điện mặt trời mái nhà cho ngành Điện hiện nay như thế nào?
– Nếu công trình có ngày vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, giá mua điện từ các dự án ĐMTMN áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017 là 9,35 UScents/kWh, tương đương 2.164 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm.
– Nếu công trình có thời điểm vận hành và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 – 31/12/2020, giá mua điện từ các dự án ĐMTMN áp dụng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 8,38 UScents/kWh, tương đương 1.943 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm.
Lắp đặt ĐMTMN thì có cần dùng điện lưới nữa không?
Điều này phụ thuộc mô hình lắp đặt, nhu cầu sử dụng, quy mô công trình, sản lượng điện mà hệ thống ĐMTMN sản xuất được.
Nếu lắp đặt hệ thống ĐMTMN độc lập với lưới điện quốc gia, có ắc quy lưu trữ và sản lượng điện sản xuất ra đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, thì gia đình không cần sử dụng điện lưới. Nếu sản lượng điện mặt trời không đủ, thì vẫn cần sử dụng thêm điện lưới.
Ban đêm, hệ thống ĐMTMN có thể tạo ra điện không?
Hệ thống ĐMTMN không thể sản xuất ra điện vào ban đêm.
Nếu không muốn sử dụng điện lưới vào thời điểm này, khách hàng có thể nghiên cứu trang bị thêm bộ lưu trữ điện (acquy). Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn và thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn so với hệ thống nối lưới không có ắc quy lưu trữ. Đó là chưa kể, chi phí thay bộ lưu trữ điện (acquy) khi hết vòng đời sử dụng.
Ngày mưa, hoặc không nắng, hệ thống ĐMTMN có hoạt động không?
Trong những ngày mưa hoặc có nhiều mây, hệ thống ĐMTMN vẫn hoạt động nhưng lượng điện năng phát sẽ phụ thuộc vào cường độ ánh sáng.
Lúc này điện lưới sẽ tự động hòa vào để bổ sung lượng điện còn thiếu, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phụ tải. Vì thế việc sinh hoạt, sản xuất sẽ không bị gián đoạn.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống điện mặt trời nối lưới như thế nào?
Các tấm pin năng lượng mặt trời được gắn trên phần mái của tòa nhà sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời chiếu vào và chuyển hóa quang năng thành điện năng.
Phần điện năng 1 chiều (DC) qua Inverter sẽ biến đổi thành dòng điện xoay chiều (AC) chuẩn với lưới điện (220V – 1 pha hoặc 380V – 3 pha).
Điện đầu ra từ hệ thống năng lượng mặt trời sẽ được kết nối trực tiếp vào điểm hòa lưới (tại tủ điện tổng) và hoạt động đồng bộ với điện lưới để cung cấp toàn phụ tải trong tòa nhà. Hệ thống sẽ đồng bộ pha và kết nối giữa điện mặt trời và điện lưới; trong đó, ưu tiên sử dụng điện mặt trời cung cấp trực tiếp cho phụ tải.